Triển lãm Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại khai mạc chiều 26/2 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), giới thiệu 35 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long. Đến sự kiện từ sớm, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em út nhạc sĩ - dạo xem loạt ảnh được trưng bày. Bà dừng lại trước một bức ảnh màu chụp cùng anh trai, nhướn mày ngạc nhiên: "Ôi, tấm ảnh ni chụp khi mô vậy hè?".
Nghe tác giả nói về khoảnh khắc chụp lúc đi dạo cùng nhạc sĩ trên phố biển Nha Trang, bà hồi tưởng kỷ niệm, thỉnh thoảng dụi mắt vì xúc động. Ngắm ảnh nhạc sĩ cùng tài tử Lương Triều Vỹ hội ngộ năm 1995 khi anh đến TP HCM, bà "ồ" lên tấm tắc độ quý của bức hình. Ca sĩ lặng người trước khoảnh khắc anh trai vẽ chân dung bà, hay được ông hướng dẫn hát những ca khúc mới viết.
Chống gậy đến dự triển lãm, nhà thơ Nguyễn Duy cũng ngạc nhiên khi bắt gặp ông trong bức ảnh chụp hồi giữa thập niên 1990. Ông nhớ lần đầu gặp Trịnh Công Sơn vào tháng 10/1975 cùng một số nhà thơ hai miền Nam, Bắc. Sau đó một năm, họ lại gặp nhau trong căn nhà tập thể của Trịnh Công Sơn ở khu Nguyễn Trường Tộ, Huế. Đêm đó, cả hai đang say lúy túy thì dân phòng gõ cửa, kiểm tra giấy tờ tùy thân. Do Nguyễn Duy quên đem, họ bị đưa về đồn Phủ Cam, nằm co ro suốt một đêm lạnh mới được cho về. Những ngày tháng ngồi sau lưng Trịnh Công Sơn trên chiếc xe đạp, rong ruổi khắp đường phố Huế trở thành kỷ niệm khó phai với nhà thơ.Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long bên Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - ở triển lãm nhân 84 năm ngày sinh của nhạc sĩ (28/2/1939).
Nguyễn Duy cũng là người giới thiệu Dương Minh Long cho nhạc sĩ. Tháng 10/1990, nhiếp ảnh gia từ Moskva (Nga) về nước, thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên ở TP HCM. Nhờ Nguyễn Duy gợi ý, Dương Minh Long tổ chức một sự kiện để gặp gỡ giới văn, nghệ sĩ bấy giờ, trong đó có Trịnh Công Sơn. Dần dà, cả hai gắn bó thân thiết.
Suốt 11 năm theo chân Trịnh Công Sơn chụp ảnh, có bốn năm Dương Minh Long sống chung nhà nhạc sĩ. Nhiếp ảnh gia thường chú trọng biểu cảm tự nhiên của nhạc sĩ nên chỉ yêu cầu ông đứng ở các góc nhất định. Những khoảnh khắc Trịnh Công Sơn hút thuốc, ngồi ngoài sân nắng, trầm tư bên bàn thờ cha mẹ... đều được nhiếp ảnh gia thu trong ống kính. Mỗi lần chụp xong, ông chỉ hỏi bằng giọng Huế nhẹ nhàng: "Được chưa Long hè?".
Nhiếp ảnh gia nói không thể thống kê cụ thể chụp được bao nhiêu tấm về nhạc sĩ, chỉ ước lượng 9.000 - 10.000 tấm, mất khoảng 14 kg cuốn phim. 28 năm qua, anh chuyển nhà 28 lần nhưng vẫn giữ lại gần 100 kg tư liệu về Trịnh Công Sơn (bao gồm cả những kỷ vật của ông như bài báo, thư tình, bản ghi lời nhạc gốc), "không làm mất tờ giấy, cuộn phim nào". Năm 2001, khi nhạc sĩ qua đời, Dương Minh Long định đốt đi toàn bộ để tưởng nhớ ông nhưng được khuyên giữ lại. 20 năm sau, đúng vào dịp kỷ niệm ngày giỗ, ông trao trả lại các kỷ vật đó cho gia đình nhạc sĩ, mọi thứ đều được đựng ngăn nắp trong valy.
Lần đầu triển lãm về Trịnh Công Sơn, Dương Minh Long đặt tên sự kiện là Gặp lại - như một cách tái ngộ nhạc sĩ qua những khung hình. Nghệ sĩ nhiếp ảnh cùng Saigon Books phối hợp phát hành một bộ bưu thiếp khổ lớn, tuyển chọn từ các khoảnh khắc được trưng bày. Nhiếp ảnh gia ấp ủ dự án viết loạt sách về Trịnh Công Sơn gồm sáu cuốn, mỗi tập xoay quanh ông với một nhân vật, như nhạc sĩ Văn Cao, danh ca Khánh Ly, ca sĩ Hồng Nhung, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và với chính Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đăk Lăk, mất ngày 1/4/2001. Ông để lại hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình. Nhiều tên tuổi gắn liền nhạc của ông như: Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Quang Dũng..., trong đó Khánh Ly là giọng hát biểu tượng.
Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long sinh năm 1962 tại Hà Nội, từng là phóng viên ảnh báo Lao Động năm 1991 - 1998. Anh từng thực hiện 25 năm triển lãm cá nhân trong nước và tại châu Âu từ năm 1984 đến năm 2004.